Thưa luật sư: Doanh nghiệp của tôi là doanh nghiệp nhỏ. Tôi muốn hỏi Luật sự hiện nay Nhà nước ta có những chính sách nào hỗ trợ đối với hình thức doanh nghiệp này? Tôi xin cảm ơn.
Luật sư tư vấn: Về vấn đề bạn đang thắc mắc chúng tôi xin trả lời như sau:

1. Doanh nghiệp vừa và nhỏ là gì?
Doanh nghiệp siêu nhỏ,nhỏ và vừa hay còn gọi là doanh nghiệp vừa và nhỏ là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ bé về mặt vốn, lao động hay doanh thu. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể chia thành ba loại cũng căn cứ vào quy mô đó là doanh nghiệp siêu nhỏ (micro), doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa. Theo tiêu chí của Nhóm Ngân hàng Thế giới, doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 10 người, doanh nghiệp nhỏ có số lượng lao động từ 10 đến dưới 200 người và nguồn vốn 20 tỷ trở xuống, còn doanh nghiệp vừa có từ 200 đến 300 lao động nguồn vốn 20 đến 100 tỷ.
Theo Điều 6, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 của Chính phủ, quy định:
“1. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
2. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này”
2. Các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam hiện nay.

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhà nước cùng các tổ chức, cá nhân nhằm giúp đỡ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể bao gồm: Xây dựng chương trình, tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay, nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại chương II luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, cụ thể như sau:
- Hỗ trợ tiếp cận tín dụng
Theo Điều 8, Điều 9 Luật Hỗ trợ DNNVV 2017 quy định về việc hỗ trợ cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ như sau:
Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và các biện pháp phù hợp khác; khuyến khích thành lập tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra doanh nghiệp vừa và nhỏ được cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Hỗ trợ thuế, kế toán
Điều 10 Luật Hỗ trợ DNNVV quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản.
– Hỗ trợ về thuế: Từ 01/01/2016 đã thực hiện chính sách miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng mức thuế suất 20%. Bộ tài chính đã xây dựng nghị quyết trình Chính Phủ, trình Quốc hội cho áp dụng một số chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất và khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa.
– Hỗ trợ về kế toán: Thông tư 132/2018/TT-BTC quy định, đối với doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế theo tỷ lệ ấn định trên doanh thu thì không cần lập sổ sách kế toán, không bắt buộc lập báo cáo tài chính. Quy định này đã đơn giản hóa chế độ kế toán, phù hợp với doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: Doanh nghiệp được bố trí người phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải có kế toán trưởng, có thể thuê các công ty dịch vụ kế toán, kể cả kế toán trưởng. Ngoài ra, những doanh nhiệp mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế hỗ trợ phần mềm khởi tạo hóa đơn điện tử miễn phí.
- Mức hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ về mặt bằng sản xuất
Điều 11 Luật DNNVV quy định các giải pháp hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cụ thể:
– Căn cứ vào điều kiện quỹ đất thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định bố trí quỹ đất hình thành, phát triển cụm công nghiệp, khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt
– Căn cứ vào điều kiện ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doang nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn. Thời gian hỗ trợ tối đa 5 năm kể từ ngày ký hợp đồng thuê mặt bằng. Việc hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doang nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện thông qua việc bù giá cho nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp để giảm giá cho thuê mặt bằng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số tiền bù giá được trừ vào số tiền thuê đất hoặc được hỗ trợ từ ngân sách địa phương.
Lưu ý: Tuy nhiên, việc hỗ trợ mặt bằng sản xuất theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Luật hỗ trợ DNNVV không áp dụng đối với DNNVV có vốn đầu tư nước ngoài, DNNVV có vốn Nhà nước.
- Hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung
Luật hỗ trợ DNNVV quy định: Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tiếp nhận, cải tiến, hoàn thiện, làm chủ công nghệ thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, tìm kiếm, giải mã, chuyển giao công nghệ, xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.
– Cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung được hưởng các hỗ trợ sau đây: Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật
– Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp
Việc miễn, giảm tiền sử dụng đất được căn cứ vào những quy định chung tại Điều 10, Điều 11, Điều 12 của Nghị định số 45/2014NĐ-CP của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất. Miễn giảm tiền thuê đất theo quy định tại NĐ 46/2014/NĐ-CP của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Miễn giảm tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010.
- Hỗ trợ mở rộng thị trường
Thứ nhất: Hỗ trợ về đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi phân phối sản phẩm
– Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hoặc tham gia thành lập chuỗi phân phối sản phẩm theo hình thức đối tác công tư. Doanh nghiệp và tổ chức đầu tư, kinh doanh khác được thành lập chuỗi phân phối sản phẩm
– Doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm có ít nhất 80% số DNNVV tham gia cung ứng cho chuỗi sản phẩm sản xuất tại Việt Nam được hưởng các hỗ trợ như: Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật; Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp
Thứ hai: Ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu là DNNVV
Hỗ trợ cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu: Điều 6 (ưu đãi đối với đầu thầu trong nước) Nghị Định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số Điều Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp tham gia đầu thầu.
- Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý
Thứ nhất: về thông tin và tư vấn
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn phí truy cập thông tin quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật hỗ trợ DNNVV trên cổng thông tin quốc gia hỗ trợ DNNVV do Bộ kế hoạch và Đầu tư quản lý và trang thông tin điện tử của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thứ hai: về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV
Với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được Chính phủ quy định tại Nghị định số 55/2019NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định cụ thể nội dung, hình thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong triển khai thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cụ thể hóa nội dung hỗ trợ pháp lý của Luật Hỗ trợ DNNVV
- Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn, giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo có sử dụng ngân sách nhà nước về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhà nước tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo trực tuyến, chương trình đào tạo trên các phương tiện thông tin đại chúng khác cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ hoạt động đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến.
Ngoài ra, nhà nước còn có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, có giá trị.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề “Doanh nghiệp vừa và nhỏ được nhà nước hỗ trợ những gì”. Nếu bạn còn câu hỏi cân giải đáp xin vui lòng liên hệ với chúng tôi. Trân trọng!