Thưa luật sư, xin hỏi: Con nuôi có được hưởng thừa kế không?
Luật sư tư vấn:
Xin cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến cho chúng tôi. Về vấn đề bạn đang thắc mắc chúng tôi xin trả lời như sau:

1. Con nuôi là gì?
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi, “Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.”Cũng tại Khoản 3 Điều này, “Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.”
Như vậy, nuôi con nuôi là xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích của người được nhận làm con nuôi. Chỉ được xác định là con nuôi khi việc nuôi con nuôi này được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.
2. Con nuôi có được hưởng thừa kế không?
2.1. Con nuôi hợp pháp được quyền hưởng thừa kế như con ruột
Con nuôi hợp pháp có thể hiểu là người được nhận làm con nuôi theo những trình tự, thủ tục được pháp luật quy định , có đủ điều kiện để được nhận làm con nuôi và xác lập quan hệ cha mẹ con theo quy định pháp luật.
Tại Điều 653 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ như sau:
“Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.”
Cụ thể tại Điều 651 quy định Người thừa kế theo pháp luật như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
…”
Và Điều 652 BLDS về Thừa kế thế vị:
“Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Từ những quy định nêu trên, có thể thấy con nuôi hợp pháp được quyền hưởng di sản của cha, mẹ nuôi để lạitheo pháp luật. Trường hợp chia thừa kế theo pháp luật thì con nuôi được xác định là hàng thừa kế thứ nhất, được chia di sản theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp không được hưởng thừa kế như: từ chối nhận di sản thừa kế (Điều 620 BLDS 2015), người không được quyền hưởng di sản (Điều 621 BLDS 2015). Và con nuôi cũng được hưởng thừa kế thế vị trong trường hợp cha, mẹ nuôi chết trước hoặc cùng thời điểm với ông, bà nuôi.
2.2. Con nuôi không đăng ký ( con nuôi thực tế ) có được hưởng thừa kế?
Con nuôi thực tế là tình trạng pháp lý đối với quan hệ cha mẹ, con nuôi có tồn tại tuy nhiên không được đăng ký theo đúng quy định pháp luật của Việt Nam. Các trường hợp nào con nuôi không đăng ký (con nuôi thực tế) được nhận thừa kế:
- Trường hợp 1: Được hưởng theo di chúc
Căn cứ Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015quy định:“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”
Như vậy, nội dung di chúc sẽ quyết định chủ thể được hưởng thừa kế, vì vậy con nuôi không đăng ký có thể sẽ được nhận thừa kế theo di chúc nếu trong di chúc của người mất có mong muốn để lại tài sản cho chủ thể này.
- Trường hợp 2: trước ngày Luật HN&GĐ năm 1986 có hiệu lực (ngày 3 -1- 1987)
Do các yếu tố thuộc về lịch sử giữ nước, xây dựng quy phạm pháp luật từng thời điểm mà việc xác định tình trạng con nuôi thực tế có hợp pháp (nuôi con nuôi có đăng ký, được pháp luật chấp thuận và nuôi con nuôi không cần đăng ký)
Thời điểm Luật hôn nhân gia đình năm 1959: Theo quy định của điều luật này thì “việc nhận nuôi con nuôi phải được Ủy ban hành chính cơ sở nơi trú quán của người nuôi hoặc của đứa trẻ công nhận và ghi vào sổ hộ tịch” (Điều 24).
Thời điểm Luật hôn nhân gia đình năm 1986: Việc nhận nuôi con nuôi do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người nuôi hoặc con nuôi công nhận và ghi vào sổ hộ tịch. (Điều 37).
Thông tư 81/TANDTC ngày 24/07/1981 về hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế cũng có quy định “Con nuôi được thừa kế phải là con nuôi hợp pháp, tức là việc nuôi con nuôi phải được Ủy ban nhân dân cơ sở nơi trú quán của người nuôi hoặc của đứa trẻ công nhận và ghi vào sổ hộ tịch (Điều 24 Luật hôn nhân và gia đình). Tuy nhiên, trong thực tế có những trường hợp nhân dân chưa hiểu pháp luật cho nên chưa xin chính quyền công nhận và đăng ký vào sổ hộ tích việc nuôi con nuôi. Trong trường hợp này, nếu việc nhận con nuôi là ngay thẳng, cha mẹ đẻ của đứa trẻ hoàn toàn tự nguyện, việc nuôi dưỡng đứa trẻ được bảo đảm, thì coi là con nuôi thực tế. Con nuôi và bố mẹ nuôi có quyền thừa kế lẫn nhau. Con nuôi (hợp pháp hay thực tế) không được thừa kế theo luật đối với di sản của bố mẹ đẻ và anh, chị, em ruột”.
Cũng tại Điểm a Mục 6 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/1/1988 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Luật HN&GĐ năm 1986 quy định: “Những điều kiện về nuôi con nuôi đã được quy định trong các Điều 34, 35, 36, và 37 nhưng trước khi Luật này được ban hành thì những điều kiện đó chưa được quy định đầy đủ. Vì vậy, những việc nuôi con nuôi trước khi ban hành Luật mới vẫn có giá trị pháp lý, trừ những trường hợp nuôi con nuôi trái với mục đích xã hội của việc nuôi con nuôi (như: nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động hoặc để dùng con nuôi vào những hoạt động xấu xa, phạm pháp). Nếu việc nuôi con nuôi trước đây chưa được ghi vào sổ hộ tịch nhưng việc nuôi con nuôi đã được mọi người công nhận và cha mẹ nuôi đã thực hiện nghĩa vụ với con nuôi thì việc nuôi con nuôi vẫn có những hậu quả pháp lý do luật định…”.
Theo hướng dẫn trên đây thì cần xác định người con đã coi người nhận nuôi như cha mẹ, người nuôi dưỡng đã coi người dược nuôi dưỡng như con. Hai bên thực hiện đầy đủ các quyền nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc yêu thương nhau. Nếu việc nuôi con nuôi hội tụ đủ yếu tố nêu trên và được bắt đầu từ trước ngày Luật HN&GĐ năm 1986 có hiệu lực (ngày 3 -1- 1987) mà chưa đăng ký, thì việc nuôi con nuôi vẫn có giá trị pháp lý. Tức là quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và người được nhận làm con nuôi vẫn được công nhận và con nuôi thực tế trước ngày Luật HN&GĐ năm 1986 có hiệu lực (ngày 3 -1- 1987) vẫn được nhận thừa kế nếu chứng minh được cá yếu tố như đã phân tích ở trên
Như vậy, từ thời điểm ngày 3 tháng 01 năm 1987 đến điểm Luật hôn nhân gia đình năm 2000 có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2001 thì quan hệ nuôi con nuôi chỉ được pháp luật công nhận khi thực hiện đúng quy định về việc đăng ký nhận nuôi con nuôi theo đúng quy định pháp luật. Theo đó, con nuôi không đăng ký (con nuôi thực tế) sẽ không được hưởng thừa kế theo pháp luật đối với di sản mà bố bạn để lại.