Thưa luật sư: Tôi muốn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Xin hỏi Luật sư thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ hiện nay như thế nào?
Luật sư tư vấn: Về vấn đề bạn đang thắc mắc chúng tôi xin trả lời như sau:

1. Quyền sở hữu trí tuệ là gì ?
Theo khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2019), quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Việc đăng ký sở hữu trí tuệ chính là việc đăng ký bản quyền của mình cho các quyền sở hữu trí tuệ kể trên. Mặc dù việc đăng ký sở hữu trí tuệ không phải là bắt buộc nhưng nhờ có đăng ký sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp, nhà kinh doanh, doanh nhân sẽ đem lại được rất nhiều lợi ích kinh tế trong giới kinh doanh
2. Các loại hình đăng ký sở hữu trí tuệ mới nhất hiện nay
Như đã nêu ở trên thì quyền sở hữu trí tuệ sẽ bao gồm ba loại quyền chính: quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Và với mỗi loại quyền sẽ có những đối tượng đăng ký sở hữu khác nhau có thể kể đến là:
– Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu – Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2019)
– Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa – Khoản 3 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2019)
– Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh – Khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2019)
– Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu – Khoản 5 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2019)
Như vậy với từng nhóm quyền sở hữu trí tuệ sẽ có những đối tượng khác nhau và vì thế việc đăng ký cũng sẽ khác nhau ở bước chuẩn bị hồ sơ
3. Thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ hiện nay
Về quy trình chung nhất thì sẽ gồm ba bước đó là phân loại đối tượng đăng ký sở hữu trí tuệ để từ đó xác định được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và phê duyệt hồ sơ đăng ký. Cũng từ đó mà chuẩn bị được các thành phần tài liệu có trong hồ sơ sao cho hợp pháp. Và thủ tục cụ thể như sau:
Bước 1: Lựa chọn đối tượng đăng ký sở hữu trí tuệ
Với mỗi sản phẩm đăng ký sẽ có hình thức đăng ký khác nhau, về cơ bản sẽ có các hình thức đăng ký sau
+ Đăng ký nhãn hiệu (hay còn được gọi nhiều là đăng ký logo, thương hiệu)
+ Đăng ký chỉ dẫn địa lý
+ Đăng ký sáng chế
+ Đăng ký kiểu dáng công nghiệp hay còn gọi là đăng ký kiểu dáng sản phẩm
+ Đăng ký giải pháp hữu ích
+ Đăng ký bản quyền tác giả (cho các tác phẩm như bài hát, phần mềm, kịch bản, game, truyện, tạo hình, bản vẽ, âm nhạc….vv) hoặc quyền liên quan (bản ghi âm, ghi hình, chương trình biểu diễn)
+ Đăng ký quyền liên quan đến giống cây trồng
Bước 2: Xác định cơ quan đăng ký sở hữu trí tuệ
Cơ quan đăng ký sẽ được xác định như sau:
– Đăng ký Sở hữu công nghiệp sẽ do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tiến hành thủ tục hành chính để nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp cho cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước
– Đăng ký Bản Quyền tác giả, quyền liên quan sẽ do cục bản quyền tác giả Việt Nam tiến hành thủ tục hành chính như trên
– Đăng ký Quyền liên quan đến giống cây trồng sẽ do Cục trồng trọt tiến hành thủ tục hành chính nêu trên
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký đối tượng sở hữu trí tuệ
Hồ sơ đăng ký đối tượng sở hữu trí tuệ cũng sẽ phụ thuộc vào từng loại hình đăng ký của chủ sở hữu.
- Đăng ký sở hữu trí tuệ cho các đối tượng sở hữu công nghiệp
(1) Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp:
Hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ cho kiểu dáng công nghiệp sẽ bao gồm các thành phần sau đây:
– 02 Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp dưới hình thức đánh máy theo Mẫu số 03-KDCN tại Phụ lục A của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN
– 01 Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp (Bản miêu tả kiểu dáng phải đáp ứng quy định tại điểm 33.5 Thông tư 01 nêu trên và gồm các nội dung cơ bản sau: tên kiểu dáng công nghiệp; lĩnh vực sử dụng kiểu dáng công nghiệp; kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất; liệt kê ảnh chụp hoặc bản vec; phần mô tả chi tiết kiểu dáng công nghiệp; yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp)
– 04 Bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ kiểu dáng công nghiệp
– Chứng từ nộp phí, lệ phí
– Các tài liệu khác nếu có như giấy ủy quyền, giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn, tài liệu xác nhận quyền đăng ký (trong trường hợp thụ hưởng từ người khác), tài liệu chứng minh quyền ưu tiên
(2) Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu:
Hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu sẽ bao gồm các thành phần sau đây:
– 02 Tờ khai đăng ký nhãn hiệu đánh máy theo mẫu số 04-NH tại Thông tư 01 nêu trên
– 05 Mẫu nhãn hiệu kèm theo
– Chứng từ nộp phí và lệ phí
Trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu là nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận thì ngoài các tài liệu trên, đơn đăng ký cần có tài liệu bắt buộc như quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận, bản thuyết minh về sản phẩm mang nhãn hiệu,…
Một số giấy tờ khác trong trường hợp đặc biệt như giấy ủy quyền, tài liệu chứng minh quyền ưu tiên…
(3) Hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý:
Hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ cho chỉ dẫn địa lý sẽ bao gồm các thành phần sau đây:
– 02 Tờ khai đăng ký Chỉ dẫn địa lý, đánh máy theo mẫu số 05 – CDĐL tại Phụ lục A của Thông tư 01 nêu trên
– Bản mô tả tính chất hoặc chất lượng đặc thù và/ hoặc danh tiếng của sản phẩm
– Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý
– Chứng từ nộp phí, lệ phí
– Các tài liệu khác như giấy ủy quyền, tài liệu xác nhận được phép sử dụng các dấu hiệu đặc biệt, tài liệu xác nhận quyền đăng ký, tài liệu xác nhận thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác, tài liệu chứng minh quyền ưu tiên
(4) Hồ sơ đăng ký thiết kế bố trí:
Hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ cho thiết kế bố trí sẽ bao gồm các thành phần sau đây:
– 02 Tờ khai đăng ký thiết kế bố trí đánh máy theo Mẫu số 02 – TKBT tại Phụ lục A Thông tư số 01 nêu trên
– 04 bộ bản vẽ, ảnh chụp thiết kế bố trí
– Thông tin về chức năng, cấu tạo của mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí
– Mẫu mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí, nếu thiết kế bố trí đã được khai thác thương mại
– Chứng từ nộp phí, lệ phí
- Đăng ký sở hữu trí tuệ cho quyền tác giả và các quyền liên quan tác giả
Hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ cho quyền tác giả và các quyền liên quan tác giả sẽ bao gồm các thành phần sau đây:
– 01 Tờ khai đăng ký quyền tác giả theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 08/2016/QĐ-BVHTT: tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin.
– 02 Bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả
– 01 Bản chính giấy ủy quyền nếu người nộp đơn là người được ủy quyền
– 01 Bản chính tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do thừa kế, chuyển giao, kế thừa
– 01 Bản chính văn bản đồng ý của đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả
– 01 Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung
- Đăng ký sở hữu trí tuệ với giống cây trồng
Hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ với giống cây trồng sẽ bao gồm các thành phần sau đây:
– 01 Tờ khai đăng ký giống cây trồng theo mẫu quy định
– Ảnh chụp và tờ khai kỹ thuật theo mẫu
– Các giấy tờ chứng minh quyền ưu tiên ( nếu có ) và quyền đăng lý
– Giấy ủy quyền (nếu có)
– Chứng từ nộp phí và lệ phí
Bước 4: Nộp hồ sơ và theo dõi hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ
Sau khi đã chuẩn bị xong hồ sơ đăng ký, khách hàng sẽ nộp hồ sơ tại 1 trong các cơ quan nêu trên để được tiến hành thẩm định hồ sơ đăng ký, theo dõi hồ sơ cho đến khi nhận được kết quả cuối cùng của việc đăng ký độc quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm.