Thưa luật sư, xin hỏi: Tôi có khởi kiện UBND huyện quyết định hành chính về việc bồi thường giá đất nhưng trong quá trình tòa mời lên làm việc thì tôi thay đổi quyết định không muốn kiện nữa. Tôi muốn hỏi mình có thể rút đơn khởi kiện được không?
Luật sư tư vấn: Về vấn đề bạn đang thắc mắc chúng tôi xin trả lời như sau:

1. Khởi kiện vụ án hành chính
Khởi kiện vụ án hành chính là việc cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước, theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính chính thức yêu cầu tòa án thụ lý án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước, công chức bị xâm hại bởi các quyết định hành chính, quyết định kỉ luật buộc thôi việc.
2. Chủ thể có quyền rút đơn khởi kiện.
Điều 140, 143, 234 và 235 LTTHC đồng thời cùng ghi nhận người khởi kiện vụ án hành chính (VAHC) là chủ thể duy nhất có quyền rút đơn khởi kiện. Trong đó, khoản 8 Điều 3 L TTHC có đề cập về khái niệm người khởi kiện: “người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính…”. Do vậy, khi cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện làm phát sinh VAHC thì đồng thời họ cũng có quyền rút đơn khởi kiện.
3. Thời điểm rút đơn khởi kiện
Trên cơ sở nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện quy định tại Điều 8 LTTHC, người khởi kiện có quyền định đoạt việc rút đơn khởi kiện trong quá trình TTHC. Do câu hỏi bạn đưa ra không nói rõ vụ việc của bạn đang trong giai đoạn nào của TTHC nên chúng tôi đưa ra các giai đoạn rút đơn khởi kiện trong quá trình TTHC như sau:
- Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hành chính
Chuẩn bị xét xử sơ thẩm là giai đoạn giúp các chủ thể tố tụng chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đưa vụ án ra xét xử công khai tại phiên tòa sơ thẩm. Trong giai đoạn này, xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, người khởi kiện có thể thay đổi ý chí của mình và quyết định rút yêu cầu khởi kiện. Đây là giai đoạn khởi đầu quá trình giải quyết vụ án hành chính; vì thế, nếu người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện có thể làm chấm dứt nhanh chóng quá trình tố tụng. Quyền rút yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện trong giai đoạn này được quy định như sau:
– Trường hợp việc rút yêu cầu khởi kiện là ý chí đơn phương của người khởi kiện
Theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 143 Luật TTHC, nếu người khởi kiện rút đơn khởi kiện trong trường hợp không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án hành chính. Trong trường hợp có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình, thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện đã rút. Trong trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút đơn yêu cầu độc lập, Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Như vậy, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, mặc dù Tòa án có các quyết định khác nhau tùy thuộc vào vụ án có người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hay không và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập rút hay vẫn giữa nguyên yêu cầu độc lập, nhưng người khởi kiện có quyền quyết định và tự định đoạt việc chấm dứt giải quyết yêu cầu khởi kiện của mình.
– Trường hợp việc rút yêu cầu khởi kiện là kết quả của đối thoại thành
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, để tạo điều kiện cho các bên có cơ hội gặp gỡ, làm rõ các nội dung liên quan đối tượng khởi kiện, yêu cầu khởi kiện và yêu cầu độc lập, Tòa án tổ chức phiên họp đối thoại.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 140 Luật TTHC, trường hợp qua đối thoại mà người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện thì Thẩm phán lập biên bản về việc người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện, ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện. Việc người khởi kiện rút yêu cầu khởi kiện trong giai đoạn này thể hiện mong muốn chấm dứt vụ án hành chính sau khi đã hiểu rõ về đối tượng khởi kiện qua cuộc họp đối thoại. Ở đây, người khởi kiện có toàn quyền quyết định và định đoạt việc rút yêu cầu khởi kiện mà không phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ chủ thể nào khác.
Như vậy, có thể thấy rằng, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, người khởi kiện rút yêu cầu khởi kiện có thể do ý chí đơn phương hoặc kết quả từ đối thoại thành, nhưng họ có toàn quyền quyết định và tự định đoạt về việc rút yêu cầu khởi kiện. Khi người khởi kiện đã rút yêu cầu khởi kiện, Tòa án phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính hoặc đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện đã rút.
- Tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính
Phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hành chính nhằm đánh giá công khai tất cả các hoạt động được tiến hành trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, làm rõ các tình tiết của vụ án, từ đó đưa ra phán quyết về việc giải quyết vụ án hành chính. Tuy vụ án đã được đưa ra xét xử nhưng việc rút yêu cầu khởi kiện trong giai đoạn này có thể làm cho vụ án kết thúc một cách nhanh chóng, “êm đẹp” theo nguyện vọng của các bên. Chính vì thế, trước khi tiến hành thủ tục tranh tụng, Chủ tọa phiên tòa sẽ hỏi người khởi kiện về việc thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Theo quy định tại khoản 2 Điều 173 Luật TTHC: “Trường hợp đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu mà đương sự đã rút”.
Như vậy, việc rút yêu cầu của đương sự nói chung và người khởi kiện nói riêng chỉ được Hội đồng xét xử sơ thẩm chấp nhận nếu là tự nguyện. Do đó, tại phiên tòa sơ thẩm, người khởi kiện đã không còn toàn quyền quyết định và tự định đoạt việc rút yêu cầu khởi kiện mà phụ thuộc vào sự xem xét, quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm. Quy định này thể hiện trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.
- Trong giai đoạn phúc thẩm vụ án hành chính
Thủ tục phúc thẩm vụ án hành chính phát sinh khi bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Ở giai đoạn này, các yêu cầu của người khởi kiện đã được xem xét và đưa ra phán quyết bởi Hội đồng xét xử sơ thẩm. Nhằm bảo đảm quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện trong tố tụng hành chính, pháp luật tố tụng hành chính quy định trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người khởi kiện vẫn có quyền rút đơn khởi kiện, thế nhưng, do vụ án đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm nên việc rút đơn khởi kiện phải đáp ứng các điều kiện nhất định.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 234 của Luật TTHC, trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mà người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi người bị kiện có đồng ý hay không và tùy từng trường hợp mà có cách thức giải quyết khác nhau. Nếu người bị kiện không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của người khởi kiện. Trong trường hợp đương sự đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của người khởi kiện. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trường hợp này, đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, ở thủ tục phúc thẩm vụ án hành chính, người khởi kiện không có quyền quyết định và tự định đoạt việc rút đơn khởi kiện mà tùy thuộc vào sự đồng ý của người bị kiện và các đương sự khác. Quy định này hoàn toàn hợp lý nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho các đương sự khác trong vụ án hành chính cũng như hiệu lực của hoạt động xét xử. Bởi lẽ, vụ án hành chính phát sinh xuất phát từ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện. Trong suốt quá trình giải quyết vụ án, người bị kiện và các đương sự khác đã phải tốn kém không ít thời gian, công sức và chi phí cho các hoạt động tố tụng. Ngoài ra, có thể người bị kiện và các đương sự khác là người kháng cáo và họ mong muốn vụ án được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm nên khi người khởi kiện rút đơn khởi kiện, sự đồng ý của người bị kiện và các đương sự khác là thật sự cần thiết.