Trình tự, thủ tục thành lập Công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam

Câu hỏi: Tôi có một đối tác nước ngoài đang có dự định thành lập một công ty tại Việt Nam để hoạt động đầu tư kinh doanh, Luật sư xin cho tôi biết thủ tục để thành lập một công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện như thế nào?
Luật sư tư vấn: Về vấn đề bạn đang thắc mắc chúng tôi xin trả lời như sau:
Việt Nam ngày càng trở thành địa điểm đầu tư tiềm năng và thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài. Có rất nhiều lý do để lựa chọn Việt Nam để đầu tư như điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, trung tâm kết nối các khu vực, nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú; hệ thống chính trị ổn định, kinh tế – xã hội ngày càng phát triển; lao động trẻ, tinh thần làm việc chăm chỉ, linh hoạt và có sự thích ứng cao….Việc thành lập công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam, Nhà đầu tư nước ngoài sẽ có pháp nhân chính thức, với tài sản, tư cách pháp lý, quyền và nghĩa vụ độc lập, nhờ vậy có thể triển khai một cách toàn diện, đầy đủ và chủ động cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam
I. Cơ sở pháp lý
Việc thành lập công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam sẽ dựa trên cơ sở các căn cứ pháp lý sau đây:
1) Biểu cam kết WTO của Việt Nam, các Hiệp định thương mại song phương và đa phương của Việt Nam
2) Luật Đầu tư năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành
3) Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành
4) Các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan đến việc tổ chức và hoạt động của công ty, các lĩnh vực được đầu tư
5) Các quy hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ và các ưu đãi của chính quyền địa phương.
II. Trình tự, thủ tục thành lập Công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam
Nhà đầu tư nước ngoài khi thành lập công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam sẽ thực hiện các Bước cần thiết như sau:
Bước 1: Nghiên cứu thị trường và các vấn đề pháp lý, thủ tục hành chính
Việc nghiên cứu thị trường và tìm hiểu rõ ràng các vấn đề pháp lý, thủ tục hành chính là điều rất cần thiết và cơ bản để đảm bảo đầu tư đúng mục tiêu, tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí, tận dụng mọi cơ hội và nguồn lực. Nhà đầu tư nước ngoài có thể thuê các đơn vị tư vấn như các công ty luật, văn phòng luật sư có các luật sư chuyên môn và giàu kinh nghiệm để tư vấn, đưa ra các khuyến nghị và giải pháp để yên tâm lựa chọn và ra quyết định đầu tư.
Bước 2: Chuẩn bị các điều kiện, tài liệu cần thiết
Tùy vào tư cách nhà đầu tư, hình thức đầu tư, loại hình công ty, phạm vi mục tiêu dự án đầu tư, vốn đầu tư, địa điểm đầu tư và một số vấn đề đặc thù khác mà Nhà đầu tư nước ngoài sẽ cần chuẩn bị các điều kiện và tài liệu cần thiết. Các đơn vị tư vấn có thể hướng dẫn Nhà đầu tư nước ngoài chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và tài liệu để việc đăng ký đầu tư suôn sẻ và nhanh chóng nhất.
Bước 3: Thực hiện đăng ký đầu tư dự án có vốn đầu tư nước ngoài để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tùy thuộc vào nội dung đề xuất thực hiện dự án đầu tư mà trình tự, thủ tục cấp, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khác nhau theo Luật Đầu tư năm 2020.
Lưu ý: Đối với dự án thuộc diện thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại các Điều 30, 31 và 32 của Luật Đầu tư 2020, việc xin chấp thuận chủ trương đầu tư được thực hiện trước khi xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Bước 4: Thực hiện đăng ký thành lập công ty (tổ chức kinh tế thực hiện dự án);
Nhà đầu tư trong nước thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế. Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Bước 5: Thực hiện các công việc cần thiết sau khi thành lập công ty
Sau khi hoàn thành việc thành lập công ty, Nhà đầu tư nước ngoài cần thực hiện sớm các công việc cần thiết sau khi thành lập công ty, trong đó gồm 10 công việc cơ bản sau:
(1) Mở tài khoản vốn đầu tư và các tài khoản thương mại
(2) Thực hiện góp vốn đầu tư của dự án, vốn điều lệ
(3) Mua chữ ký số, kê khai và nộp thuế ban đầu tư
(4) Lựa chọn và chuẩn bị thủ tục sử dụng hóa đơn
(5) Lựa chọn chế độ kế toán và bố trí kiểm toán hằng năm
(6) Quản lý và sử dụng con dấu
(7) Thực hiện đúng và đầy đủ chế độ báo cáo
(8) Thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, công đoàn
(9) Xin cấp Visa, Giấy phép lao động, Thẻ tạm trú cho Nhà quản lý, chuyên gia nếu là người nước ngoài
(10) Treo biển hiệu của công ty
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề “Trình tự, thủ tục thành lập công ty có vốn nước ngoài”. Nếu bạn còn câu hỏi cân giải đáp xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.
Trân trọng./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *