Thưa luật sư, xin hỏi: Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho cấp phó làm người đại diện tham gia tố tụng hành chính khi bị kiện không?
Luật sư tư vấn:
Xin cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến cho chúng tôi. Về vấn đề bạn đang thắc mắc chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, các đương sự khi tham gia tố tụng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau, trong đó các đương sự theo quy định có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của tòa án và các đương sự có nghĩa vụ chấp hành quyết định của tòa án trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Tuy nhiên, trên thực tế để tham gia tố tụng hành chính, có rất nhiều trường hợp các đương sự phải cần người đại diện, trong đó bao gồm đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền. Theo đó, người đại diện theo ủy quyền của đương sự trong tố tụng hành chính phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và phải được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự thực hiện ủy quyền bằng văn bản.
1. Quy định về người đại diện trong tố tụng hành chính
Căn cứ vào Điều 60 Luật Tố tụng Hành chính 2015 quy định về người đại diện như sau:
“1. Người đại diện trong tố tụng hành chính bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền.
2. Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng hành chính có thể là một trong những người sau đây, trừ trường hợp người đó bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật:
a) Cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
b) Người giám hộ đối với người được giám hộ;
c) Người được Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
d) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức do được bổ nhiệm hoặc bầu theo quy định của pháp luật;
đ) Những người khác theo quy định của pháp luật.
3. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản.
Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia tố tụng hành chính thì các thành viên có thể ủy quyền cho một thành viên hoặc người khác làm đại diện tham gia tố tụng hành chính.
Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này.
4. Người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính chấm dứt việc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng hành chính thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính của đương sự mà mình là đại diện.
Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính của người ủy quyền. Người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba.
6. Những người sau đây không được làm người đại diện:
a) Nếu họ là đương sự trong cùng một vụ án với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;
b) Nếu họ đang là người đại diện trong tố tụng hành chính cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ án.
7. Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Thanh tra, Thi hành án; công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an không được làm người đại diện trong tố tụng hành chính, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.”
2. Trường hợp Ủy ban nhân dân bị khởi kiện thì có thể ủy quyền cho cấp phó làm người đại diện tham gia tố tụng hành chính không?
Căn cứ vào khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng Hành chính 2015 quy định như sau:
“….
3. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản.
Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia tố tụng hành chính thì các thành viên có thể ủy quyền cho một thành viên hoặc người khác làm đại diện tham gia tố tụng hành chính.
Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này.”
Theo như quy định trên thì nếu người bị kiện là cơ quan, tổ chức thì người bị kiện có thể ủy quyền cho cấp phó để đại diện cho cơ quan, tổ chức đó tham gia tố tụng hành chính.
Theo đó, Ủy ban nhân dân bị kiện thì có thể Ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng hành chính. Mục đích của quy định này theo lý giải của các nhà lập pháp là để bên bị kiện đánh giá chính xác, đầy đủ về quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, từ đó quyết định việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc quyết định đối thoại để giải quyết vụ án với người khởi kiện. Nếu ủy quyền cho cán bộ chuyên môn tham gia tố tụng thì họ không có thẩm quyền quyết định những vấn đề trên. Và cấp phó phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được Ủy ban nhân dân ủy quyền bằng văn bản.