Lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào cho phụ hợp

Câu hỏi: Tôi đang có kế hoạch thành lập doanh nghiệp, Luật sư xin cho tôi biết hiện nay pháp luật quy định có bao nhiêu loại hình doanh nghiệp? Tôi nên thành lập doanh nghiệp theo loại hình nào để hoạt động hiệu quả?
Luật sư tư vấn: Về vấn đề bạn đang thắc mắc chúng tôi xin trả lời như sau:
Trước khi thành lập doanh nghiệp, các chủ thể thành lập đều quan tâm đến việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp. Điều này là do loại hình doanh ngiệp là yếu tố quan trọng
1. Có bao nhiêu loại hình doanh nghiệp hiện nay?
Theo Luật doanh nghiệp 2020, hiện có 05 loại hình doanh nghiệp mà chủ thể thành lập doanh nghiệp có thể chọn gồm:
• Doanh nghiệp tư nhân;
• Công ty hợp danh;
• Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
• Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
• Công ty cổ phần.
1.1. Loại hình Doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
1.2. Loại hình Công ty hợp danh
Để thành lập một công ty hợp danh, yêu cầu phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
1.3. Loại hình Công ty TNHH một thành viên
Công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
1.4. Loại hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Theo Khoản 1 Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật Doanh nghiệp 2020.
1.5. Loại hình Công ty cổ phần
Công ty cổ phần là doanh nghiệp trong đó vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp
2. Nên thành lập doanh nghiệp theo loại hình nào?
Việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp cần căn cứ vào mong muốn, mục đích của chủ thể thành lập doanh nghiệp kết hợp với việc xem xét các ưu điểm và hạn chế của từng loại hình doanh nghiệp xoay quanh các vấn đề chế độ trách nhiệm, số lượng thành viên và cơ chế huy động vốn của doanh nghiệp.
2.1. Đối với Doanh nghiệp tư nhân
Ưu điểm: Do chỉ có một chủ doanh nghiệp, nên họ có quyền quyết định mọi hoạt động kinh doanh cũng như việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính.
Hạn chế: Loại hình này không có tư cách pháp nhân, chủ thể thành lập phải chịu trách nhiệm vô hạn (không chỉ bằng tài sản của doanh nghiệp mà bằng toàn bộ tài sản của mình) đối với mọi hoạt động doanh nghiệp.
2.2. Đối với Công ty hợp danh
Ưu điểm: Chủ thể thành lập có tư cách pháp nhân để làm việc với các đối tác. Các thành viên hợp danh có quyền nhân danh doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp. Tài sản của doanh nghiệp tách biệt với tài sản của từng thành viên.
Hạn chế: Các thành viên hợp danh phải liên đới chịu trách nhiệm hoàn trả các khoản nợ còn lại của doanh nghiệp nếu tài sản của doanh nghiệp không đủ để trang trải các khoản nợ. Trên thực tế, loại hình đầu tư này không được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
2.3. Đối với Công ty TNHH một thành viên
Ưu điểm: Là loại doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Chủ sở hữu được toàn quyền quyết định tất cả mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ tài chính, các khoản nợ của doanh nghiệp trong phạm vi vốn điều lệ.
Hạn chế: Doanh nghiệp khó có thể huy động vốn từ người khác bằng cách góp vốn kinh doanh. Vì nếu đúng như vậy, doanh nghiệp sẽ phải chuyển đổi sang các loại hình khác. Đối với loại hình doanh nghiệp này không được phép phát hành cổ phiếu.
2.4. Đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Ưu điểm: Có tư cách pháp nhân. Các nghĩa vụ tài chính, các khoản nợ của doanh nghiệp, Thành viên – Chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm tối đa trong phạm vi số vốn đã góp.
Hạn chế: Thành viên doanh nghiệp không được tự mình thực hiện các hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp không được quyền phát hành cổ phiếu. Giới hạn 50 thành viên.
2.5. Đối với Công ty cổ phần
Ưu điểm: Có tư cách pháp nhân. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp của mình đối với các nghĩa vụ tài chính và các khoản nợ của doanh nghiệp. Số lượng thành viên đông đảo và không giới hạn. Cơ cấu vốn linh hoạt, dễ huy động vốn lớn. Có thể lên sàn giao dịch chứng khoán, phát hành cổ phiếu.
Hạn chế: Các cổ đông của doanh nghiệp không được phép tiến hành các hoạt động kinh doanh. Việc quản lý và điều hành doanh nghiệp phức tạp hơn. Mọi quyết định chiến lược phải được đảm bảo đúng đắn cả về thủ tục và nội dung theo quy định của Điều lệ, quy chế nội bộ và quy định của pháp luật.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề “Lựa chọn loại hình doanh nghiệp”. Nếu bạn còn câu hỏi cân giải đáp xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.
Trân trọng./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *